Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Các vector sử dụng để chuyển gen ở thực vật


Các vector biến nạp vào tế bào thực vật sử dụng Agrobacterium

Sự gây ra các khối u do Agrobacterium

Agrobacterium tumefaciens  và A. rhizogenes là hai loài vi khuẩn sống trong đất gây ra bệnh khối u hình chóp (crown gall) (Hình 1và hình 2 ) và bệnh lông rễ (hairy root) ở các vị trí tổn thương của thực vật hai lá mầm.

Chỉ rất ít thực vật một lá mầm thuộc họ Liliaceae và Amaryllidaceae là dễ bị bệnh khối u hình chóp. Lý do giới hạn vật chủ này hiện nay còn chưa được biết. Một lần khởi đầu, sự sinh trưởng khối u có thể tiếp diễn khi vắng mặt vi khuẩn và mô khối u có thể được sinh trưởng vô trùng bằng nuôi cấy mô trong các môi trường thiếu sự bổ sung auxin và cytokinin ngoại sinh mà bình thường là cần thiết để xúc tiến sự sinh trưởng của mô thực vật in vitro. Mô khối u tổng hợp amino acid mới và các dẫn xuất của đường được biết chung là opine. Loại opine tổng hợp trong khối u (ví dụ như nopaline, octopine, agrocinopine, mannopine và agropine) phụ thuộc vào dòng Agrobacterium  khởi đầu sự hình thành khối u. Octopine và nopaline là hai loại opine có nguồn gốc từ arginine và dễ dàng phát hiện nhất trong mô khối u hình chóp. Do đó nhiều dòng Agrobacterium tumefacien phổ biến được thiết kế theo kiểu octopine hoặc nopaline. Agropine, một dẫn xuất của đường được tìm thấy phổ biến trong các khối u lông rễ gây ra bởi A. rhizogenes. Agrobacterium chịu trách nhiệm đối với sự hình thành khối u dị hóa một cách có chọn lọc opine mà nó tổng hợp được và sử dụng opine như là một nguồn cacbon và nitơ.

Cả việc gây ra khối u và tổng hợp opine liên quan với sự có mặt của một loại plasmid có kích thước lớn là Ti-plasmid (Tumour inducing =Ti= gây ra khối u) trong tế bào vi khuẩn A. tumefaciens và Ri-plasmid (Root inducing = Ri = gây ra lông tơ) ở A. rhizogenes.


                       Bệnh khối u hình chóp ở cây mâm xôi xôi (Rubus) do A.tumefaciens gây ra


Các khối u hình chóp ở cành táo


Sơ đồ cấu trúc tế bào vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens

Ti-plasmid của Agrobacterium tumefaciens

Ti-plasmid được tìm thấy trong tất cả các dòng A.tumefaciens gây độc, có kích thước khoảng 200-250 kb. Chúng được duy trì ổn định trong Agrobacterium ở nhiệt độ dưới 30oC. Bằng phương pháp lai DNA-DNA và lập bản đồ chuỗi kép dị hợp (heteroduplex mapping), người ta đã xác định được Ti-plasmid có 4 vùng tương đồng. Kết quả phân tích di truyền cho thấy vùng T-DNA (transferred DNA) và vùng gây độc (virulence) liên quan đến sự hình thành khối u trong khi hai vùng khác liên quan đến sự tiếp hợp và sự tái bản của plasmid trong Agrobacterium.

Trong khi hình thành khối u, T-DNA được chuyển vào tế bào thực vật và hợp nhất với genome nhân. T-DNA ổn định trong genome nhân. Lai Ti-plasmid với DNA của khối u đã cho thấy T-DNA trong tế bào thực vật là tương ứng song song với T-DNA trong Ti-plasmid của Agrobacterium. Kết quả này chứng tỏ không có sự sắp xếp lại vị trí của T-DNA trong lúc khối u được tạo thành. Một hoặc nhiều bản sao của T-DNA có thể có mặt ở các đoạn lặp nối tiếp. Chúng cũng có thể tách ra và liên kết với các vùng khác nhau của DNA thực vật. Vị trí hợp nhất của T-DNA vào DNA thực vật là hoàn toàn ngẫu nhiên. Các vùng tương đồng với T-DNA đã được tìm thấy ở các Ti-plasmid khác nhau (Hình 1.21B  ). Trong các dòng A.tumefaciens kiểu nopaline được sử dụng phổ biến. Vùng T-DNA có kích thước khoảng 24 kb. Ở một số khối u hình chóp kiểu octopine, hai đoạn không kề nhau đã được tìm thấy là TL và TR. TL có  kích thước 14 kb, có mặt trong tất cả các dòng tế bào đã biến nạp và có chức năng tương đương với T-DNA ở các dòng tế bào nopaline. TR có kích thước 7 kb, được hình thành từ phía bên phải của TL-DNA trong Ti- plasmid, không phát hiện thấy trong tất cả các dòng khối u nhưng khi số bản sao của nó khác với TL người ta giả thiết là đã xảy ra một quá trình chuyển độc lập.

T-DNA được phiên mã trong các tế bào khối u (Hình 4B), tạo ra nhiều mRNA polyadenyl. Các loại sản phẩm phiên mã của T-DNA tích lũy lại là tương đối thấp so với các mRNA của thực vật khác. Giải trình tự T-DNA kiểu nopaline đã cho thấy có 13 khung đọc mở lớn (open-reading frame) trong khi ở TL-DNA và TR-DNA kiểu octopine tương ứng là 8 và 6. Các sản phẩm phiên mã phía cánh phải của T-DNA kiểu nopaline có chức năng tương đương với các sản phẩm phiên mã phía cánh phải của TL-DNA (Hình4B). Toàn bộ sự tổ chức của các gen trên T-DNA và các vùng lân cận là tương tự với các gen của genome eukaryote mặc dù chúng không chứa intron. So sánh các trình tự, sự phát sinh đột biến mất đoạn và gen nhảy cũng như sự tăng sinh của các sản phẩm gen riêng lẻ ở E.coli đã được sử dụng để phát hiện ra chức năng một số sản phẩm gen được mã hóa bởi T-DNA. Một gen ở trong vùng TL octopine mã hóa enzyme octopine synthase. Ở Ti-plasmid nopaline, các gen opine synthase bao gồm nopaline synthase (nos) và agrocinopine synthase (acs). Trong Ti-plasmid octopine, vùng TR mã hóa  hai protein chịu trách nhiệm đối với sự tổng hợp manopine và một sản phẩm của gen xúc tác cho sự biến đổi ngược manopine thành agropine. Locus tmr mã hóa một enzyme liên quan đến hệ thống cytokinin và sự đột biến ở đây dẫn đến sự tăng sinh rễ từ các khối u hình chóp đã gây ra ở một số loài (các thể đột biến rễ). Các locus tms 1 và tms 2 liên quan đến sự tổng hợp không điều hòa của auxin và sự đột biến một trong hai locus gây nên sự tăng sinh chồi từ các khối u hình chóp ở nhiều loại thực vật (các thể đột biến chồi). Vì vậy, T-DNA mang các gen (tms 1, tms 2 và tmr) mà sản phẩm của chúng không chịu sự điều hòa bình thường của các con đường chuyển hóa thực vật liên quan đến sự tổng hợp phytohormone và điều này gây ra kiểu hình ung thư. Do đó các gen tms 1, tms 2 và tmr được xem là các gen ung thư. Tuy nhiên cần lưu ý rằng các gen được mã hóa bởi T-DNA không đòi hỏi phải chuyển T-DNA vào tế bào thực vật và cũng không duy trì sự ổn định của nó trong genome thực vật.

Ri-plasmid của Agrobacterium rhizogenes

Sự khởi đầu của bệnh lông tơ do A.rhizogenes tương tự như sự biến nạp nhờ A.tumefaciens. Dưới sự kiểm soát của vùng gây độc, hai vùng phân tán của Ri-plasmid được chuyển vào genome thực vật (Huffman, 1984; De Paolis, 1985). Các vùng này có tên là TL (T-left T-DNA) và TR (T-right T-DNA). TR T-DNA chứa các gen sản xuất opine (mannopine hoặc agropine) và các dòng được định rõ đặc điểm nhờ các gen opine đặc trưng của chúng (De Paolis, 1985). Mặt khác TR T-DNA còn chứa hai gen mã hóa cho sự tổng hợp auxin. Các gen này tương đồng rất cao với các gen auxin của A.tumefaciens  và cho thấy có thể bổ sung thêm các dòng mang các gen auxin đột biến của chúng (Offringa, 1986). TL T-DNA không tương đồng với T-DNA của  A.tumefaciens (Huffman, 1984). Toàn bộ TL T-DNA của đã được giải trình tự và nó chứa tối thiểu 11 khung đọc mở, tương tự với các khung đọc mở đã được tìm thấy ở genome của eukaryote. Chúng có promoter và các yếu tố polyadenine hóa cần thiết để thực hiện chức năng khi chuyển vào trong genome thực vật (Simpson, 1986). Các gen này không tương đồng với bất kỳ gen nào.


Cấu trúc và sự biểu hiện của Ti-plasmid kiểu octopine và nopaline

A. Bản đồ của Ti-plasmid kiểu octopine (pTiAch5) và kiểu nopaline (pTiC58) cho thấy vị trí tương đối và kích thước của các vùng chức năng chính.

Các vị trí tô đậm chí các vùng tương đồng lớn của 2 plasmid.

Các đoạn lặp trực tiếp 25 bp; CON: vùng mã hóa chức năng tiếp hợp

ORI: vùng mã hóa chức năng tái bản và khởi điểm tái bản

B. Bản đồ của vùng T kiểu nopaline và octopine cho thấy các vùng chức năng chính, các vùng tương đồng và các sản phẩm phiên mã.

Các sản phẩm phiên mã đã được biết là: 3(nos): nopaline synthase; 3 (ocs): octonopaline synthase; acs: agrocinopine  synthase; 1(tms 1): tryptophan mono-oxygenase; 2(tms 2): indole-3-acetamide hydrolase; 4(tmr): DMA transferase; agr: 3 sản phẩm phiên mã cần cho sự tổng hợp agropine.

đã biết và cũng không có sự tương đồng có ý nghĩa nào đối với T-DNA (kiểu octopine) của A.tumefacien. TR T-DNA là không cần thiết đối với sự duy trì kiểu hình lông tơ. Tuy nhiên ở nhiều loài, các dòng Agrobacterium có cả TL và TR T-DNA là độc nhiều hơn so với các dòng chỉ mang một T-DNA (Vilaine và Case-Delbart, 1987).

Cơ chế chuyển T-DNA

Các vùng T-DNA của cả A.tumefaciens và A.rhizogenes đều nằm ở bên cạnh các đoạn lặp trực tiếp 25 bp (Hình 1.11) và các điểm kết thúc của T-DNA đã hợp nhất trong genome thực vật nằm sát với các trình tự này. Trình tự liên ứng của biên T-DNA là GGCAGGATATTC/GA/G GT/GTCTAAA/TT/C. Hầu hết các nghiên cứu cơ chế chuyển T-DNA từ Agrobacterium vào tế bào thực vật đã được tiến hành ở A.tumefaciens. Việc loại bỏ bờ phải của Ti-plasmid kiểu nopaline đã làm mất sự hình thành khối u, nhưng khi đoạn oligonucleotid tương đồng với bờ phải được tạo dòng với sự định hướng chính xác với Ti-plasmid thiếu bờ phải thì sự hình thành khối u lại được phục hồi (Wang, 1984), cho thấy rằng các trình tự lặp 25 bp phân cực và tác động đều (cis-acting).

Sự tiếp xúc của Agrobacterium với các hợp chất giải phóng từ mô thực vật bị tổn thương đã làm cho vùng vir của Ti-plasmid phiên mã (Hình 1.22). Trong quá trình này một chất có hoạt tính hóa học cao và đặc trưng đã được nhận biết là acetosyringone. Gen vir A và gen vir C được biểu hiện ở vi khuẩn sinh trưởng sinh dưỡng mặc dù gen vir C chỉ được phiên mã ở mức độ thấp. Khi Agrobacterium gặp dịch rỉ của các tế bào thực vật bị tổn thương, hoặc acetosyringone tinh khiết, sản phẩm của gen vir A (có thể liên kết với màng) sẽ nhận diện và tương tác với acetosyringone và truyền tín hiệu ngoại bào vào trong tế bào này làm hoạt hóa sản phẩm của gen vir C. Sau đó protein vir C đã biến đổi hoạt hóa làm cho các gen vir B, C, D và E không hoạt động và làm tăng cường sự phiên mã của gen vir C.

Sự cảm ứng gen vir xảy ra nhờ sự xuất hiện các điểm đứt sợi đơn trong các trình tự biên 25 bp nằm ở mép  của T-DNA (Stachel và Zambryski, 1986; Albright, 1987) và sự xuất hiện phân tử sợi đơn mạch thẳng tương ứng với T-DNA . Các sản phẩm của operon vir D có hoạt tính endonuclease (Yanofsky, 1986). Bằng một cơ chế tương tự sự tiếp hợp của vi khuẩn, T-DNA được chuyển sang tế bào thực vật và xen một cách ổn định vào DNA nhân (Stachel và Zambryski, 1986). Sự kiện này có thể liên quan đến protein được mã hóa bởi operon vir E (Winans, 1987). Mô hình mô tả các sự kiện xảy ra ở mức phân tử trong sự tương tác giữa tế bào thực vật và Agrobacterium để hình thành khối u hình chóp được trình bày ở hình 5.

Plasmid Agrobacterium là vector biến nạp

Khả năng chuyến một cách tự nhiên các trình tự DNA xác định vào genome thực vật của Agrobacterium đã được sử dụng vào việc phát triển các vector biến nạp thực vật. Các vector này lợi dụng một số đặc tính bẩm sinh của Agrobacterium là quá trình biến nạp trung gian (mediated transformation process). Vào đầu thập niên 1980, một số nhóm nghiên cứu Ti-plasmid đã loại bỏ tất cả các gen onc của T-DNA. Khám phá quan trọng thứ nhất là các gen onc này không cần thiết đối với việc chuyển T-DNA vào tế bào thực vật và không hợp nhất vào DNA nhân. Vì vậy các gen này có thể được thay thế. Nó không chỉ cho phép xen DNA ngoại lai vào mà còn cho phép loại bỏ các chức năng của gen onc. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nos hoặc ocs là các gen marker hữu ích đối với sự biến nạp bởi vì hoạt tính enzyme của các sản phẩm gen của chúng có thể được phát hiện bằng một xét nghiệm đơn giản. Cho đến nay, giới hạn kích thước của đoạn DNA xen vào chưa được công bố. Sự kiện quan trọng thứ ba là sự khám phá các sản phẩm của gen vir còn hoạt động chức năng trong trans. Cuối cùng, T-DNA không gây ung thư có mặt trong toàn bộ thực vật tái sinh được truyền lại cho thế hệ sau theo kiểu di truyền Mendel.

Các thành phần cơ bản của vector Ti-plasmid không gây ung thư

Ðặc điểm của chuyển gen qua trung gian Agrobacterium là bất kỳ DNA nào đã tạo dòng đều có thể được chuyển vào genome của tế bào thực vật hai lá mầm. DNA ngoại lai phải được nằm ở mép các trình tự biên của T-DNA và duy trì ổn định trong dòng Agrobacterium mang nhóm bổ sung đầy đủ của các gen vir dạng cis hoặc trans (định vị trên plasmid hỗ trợ gây độc phân tán). Các gen trên nhiễm sắc thể của Agrobacterium kết hợp với vùng gây độc đã được mô tả và có liên quan với việc vi khuẩn nhận ra một thành phần của bề mặt tế bào thực vật, rồi  gắn vào sau đó.
Sự tương tác giữa Agrobacterium với tế bào thực vật và cơ chế chuyển T-DNA

Ðể nhận ra các tế bào đã được biến nạp, các gen trội kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đã được xen vào trong các trình tự lặp 25 bp dưới sự kiểm soát của T-DNA promoter và các tín hiệu polyadenyl hóa. Các gen kháng thuốc kháng sinh dạng khảm như thế biểu hiện một cách có hiệu quả trong tế bào thực vật ở bất kỳ môi trường di truyền nào. Việc liên kết một cách chặt chẽ các gen marker với DNA ngoại lai có 2 lợi ích: thứ nhất là để chọn lọc trực tiếp các mô thực vật đã được biến nạp DNA ngoại lai vào một cách chắc chắn; thứ hai là đảm bảo DNA ngoại lai trong các dòng biến nạp đặc trưng đã chọn lọc không xen vào vùng genome không được phiên mã.

Các vector biến nạp thực vật không gây ung thư dựa trên Ti-plasmid

Cả A.tumefaciens và A.rhizogenes đều được sử dụng để chuyển DNA ngoại lai vào tế bào thực vật. Nhiều vector biến nạp dựa trên Ti-plasmid đã được phát triển (Bảng 1.1 và bảng 1.2). Các vector này không chứa bất kỳ trình tự ung thư nào và vì vậy tế bào thực vật có thể sinh trưởng bình thường sau khi chuyển DNA vào nhân của nó. Các vector không gây ung thư hiện đang sử dụng có thể được chia làm hai loại là cis và trans, dựa vào việc có hay không  các vùng T-DNA nằm ở mép các trình tự lặp trực tiếp 25 bp trên cùng đơn vị tái bản (replicon) như các gen vir hoặc trên một plasmid phân tán (Hình 1.13). Trước đây, loại vector thường được đề cập đến là vector liên hợp (co-intergrative vector), tuy nhiên gần đây vector nhị thể (binary vector) là phổ biến hơn.

Cis vector

Ðây là các vector có nguồn gốc từ Ti-plasmid kiểu dại mà gen onc trên T-DNA đã được loại bỏ và trong một số trường hợp được thay thế bằng một đoạn DNA đặc hiệu có vùng tương đồng với một vector tạo dòng nhỏ mà chỉ có thể tái bản ở E.coli. Chiến lược vector này phụ thuộc vào sự liên hợp trong A.tumefaciens giữa các vùng tương đồng trên Ti-plasmid đã sửa đổi (hỗ trợ mang gen vir) và một vector tạo dòng  nhỏ ở  E.coli (vector trung gian)  mang  gen  marker chọn lọc sẽ hoạt động chức năng trong các tế bào thực vật và các trình tự duy nhất cho việc xen DNA ngoại lai vào.

Vector trung gian mang trình tự DNA ngoại lai thường được đưa vào A.tumefaciens bằng sự tiếp hợp và sử dụng sự chọn lọc thích hợp sẽ thu được thể nhận tiếp hợp với DNA ngoại lai đã ổn định trong T-DNA là kết quả của tái tổ hợp tương đồng (Hình 6A ).

Sơ đồ hệ thống vector liên hợp (A) và vector nhị thể (B)

VIR: vùng gây độc; HOM: các vùng tương đồng trong đó sự tái bản có thể xảy ra đối với sự liên hợp; LB: biên trái; RB: biên phải; MCS (multicloning site): các trình tự tạo dòng; PTM: marker biến nạp thực vật; RES: marker kháng thuốc kháng sinh để chọn lọc đối với sự có mặt của các trình tự vector trong vi khuẩn chủ; oriT: khởi điểm chuyển; ColE1: khởi điểm tái bản từ plasmid ColE1; RK2: vùng có phổ khởi điểm tái bản rộng, có nguồn gốc từ pKR2

Ở một số vector như pGV3850 (Hình dưới), cả hai biên của T-DNA là ở trên Ti-plasmid đã sửa đổi. Trong các vector như pGV2260 (Debleare, 1982), các trình tự lặp 25 bp là ở trên vector trung gian, trong khi ở vector pTiBS3-SE (Fraley, 1985), biên phải là ở trên vector trung gian và biên trái ở trên gen vir của plasmid. Bất kỳ ở đâu trong các vị trí khởi đầu của các trình tự lặp 25 bp, kết quả thực sau khi liên hợp là sự xen các trình tự DNA ngoại lai ở biên T-DNA lặp lại trên Ti-plasmid đã sửa đổi. Vì vậy ở các dòng A.tumefaciens mang cấu trúc này, T-DNA được chuyển vào genome thực vật trong suốt sự biến nạp là kết quả hoạt động của vùng vir dạng cis.
Cấu trúc và sự sử dụng vector liên hợp pGV3850

Bản đồ cho thấy cấu trúc của vector biến nạp thực vật pGV3850 và vector trung gian pGV1103 và kết quả của việc hợp nhất pGV1103 vào pGV3850. LB: biên trái; RB: biên phải; Pnos: promoter nopaline synthetase; npt-II: trình tự mã hóa neomycin phosphotransferase-II từ Tn5; ocA: trình tự polyadenyl hóa octopine synthase; E: EcoRI; H: HindIII; B: BamHI; nos: nopaline synthase; ApR: gen kháng ampicillin; KmR: gen kháng kanamycin  

Một ví dụ chi tiết về vector cis là pGV3850 (Zambryski, 1983). Vector này đã được loại bỏ các gen onc của Ti-plasmid kiểu nopaline (C58) và thay bằng pBR322 (Hình 7). Bất kỳ trình tự DNA ngoại lai nào đã được tạo dòng trong pBR322 đều có thể đưa vào pGV3850 bằng quá trình chuyển vào Agrobacterium theo cách tiếp hợp tái tổ hợp bao gồm hai bước. Trước hết pBR322 mang gen cần chuyển và một marker kháng thuốc kháng sinh cho phép chọn lọc Agrobacterium (kanamycin hoặc streptomicin/spectinomycin) được đưa vào dòng Ecoli chứa hai plasmid hỗ trợ pGJ28 và pRGdrd11. Các plasmid này cung cấp ColE1 có chức năng hỗ trợ, cho phép chuyển cả 3 plasmid vào Agrobacterium qua tiếp hợp. Tuy nhiên pBR322 không thể tái bản trong Agrobacterium và vì vậy nó sẽ không được bảo tồn, nhưng sự tái tổ hợp có thể xảy ra giữa pBR322 và pGV3850 làm cho gen quan tâm được chuyển vào Ti-plasmid. Thể nhận tiếp hợp có thể được chọn lọc nhờ tính kháng do plasmid mã hóa và tính kháng rifampicin do nhiễm sắc thể của Agrobacterium mã hóa.

Vector nhị thể

Vector trans hoặc vector nhị thể được dựa trên các plasmid có thể tái bản ở cả E.coli và Agrobacterium và các plasmid này có chứa các trình tự biên của T-DNA (Hình 6B). Các vector này có thể được thiết kế sao cho các trình tự biên cạnh MCS cho phép xen DNA ngoại lai vào và các marker cho phép chọn lọc trực tiếp các tế bào thực vật đã được biến nạp. Plasmid có thể được thao tác ở trong E.coli và được chuyển vào qua sự tiếp hợp với các dòng Agrobacterium mang plasmid có chứa vùng vir nhưng thiếu T-DNA và các trình tự lặp 25 bp. Các plasmid như thế thường là các thể đột biến mất đoạn đơn giản của Ti-plasmid octopine kiểu dại hoặc kiểu nopaline . Việc chuyển DNA ngoại lai trên vector tạo dòng vào tế bào thực vật có thể được thực hiện do hoạt động chức năng của vùng vir.

pBin19 là một vector nhị thể phổ biến dựa trên đơn vị tái bản (replicon) vật chủ mở rộng của pRK252 . Vì vậy nó có thể tái bản trong cả E.coli và Agrobacterium, cho phép xen DNA ngoại lai vào vector và sàng lọc trong E.coli trước khi chuyển vào Agrobacterium. Vector  này  chứa  marker  kháng  kanamicin  (K mr)

Cấu trúc và sự sử dụng vector nhị thể pBin19

A. Bản đồ của vector nhị thể pBin19

LB: biên trái; RB: biên phải; lac: vùng bổ sung α của operon lac; Pnos: promoter gen nopaline synthetase; npt-II: trình tự mã hóa neomycin phosphotransferase-II từ Tn5; nosA: trình tự polyadenyl hóa gen nopaline synthase.

B. Sự xâm nhập của pBin19 vào A.tumefaciens LBA4404 sử dụng plasmid hỗ trợ pRK2013 và sau đó loại bỏ plasmid hỗ trợ trong Agrobacterium, giúp chọn lọc trực tiếp ở trong vi khuẩn cũng như các trình tự biên T-DNA ở cạnh một marker chọn lọc trội với mục đích sử dụng trong các tế bào thực vật (một gen kháng kanamicin nằm cạnh promoter nos và trình tự poly(A) thêm vào) và một MCS ở trong vùng bổ sung α của β-galactosidase. Sự sàng lọc các thể tái tổ hợp có thể được tiến hành ở Lac- E.coli nhờ sự bổ trợ α với sự có mặt của IPTG và X-GAL (Groneborn và Messing, 1978). Vector này có thể được đưa vào Agrobacterium bằng sự tiếp hợp sử dụng các chức năng hỗ trợ của pKR2013. Agrobacterium chủ LBA4404 chứa Ti-plasmid (pLBA4404) đã loại bỏ T-DNA nhưng vùng vir vẫn không đổi. Thể nhận tiếp hợp có thể được chọn lọc nhờ tính kháng kanamicin và rifampicin.

Hệ thống vector nhị thể được trình bày ở bảng trên. Các vector nhị thể này khác nhau về kích thước, sự tái bản ổn định trong Agrobacterium, các vị trí tạo dòng, sự bổ trợ α để có thể sàng lọc plasmid tái tổ hợp trên các đĩa X-GAL, các gen marker để chọn lọc các thực vật biến nạp và các gen marker để chọn lọc các thể nhận tiếp hợp, nhưng phần lớn được biết là thích hợp với một số plasmid hỗ trợ mang gen vir của A.tumefacien cũng như với nhiều Ri-plasmid.

Vector biến nạp thực vật sử dụng A.rhizogenes

Các vector này được sử dụng lần đầu tiên khi biến nạp vào các loại thực vật mà sự tái sinh toàn bộ cơ thể từ các tế bào đơn lẻ là khó khăn. Ở một số loài, sự tái sinh cơ thể có thể xảy ra từ sự nuôi cấy rễ gây ra bởi A.rhizogenes thông qua sự phát triển phôi soma hoặc sự phát sinh cơ quan. Cơ chế kiểu hình lông rễ bị ức chế làm phát sinh hình thái chồi hiện nay chưa rõ. Thực vật tái sinh từ lông rễ thường bị biến đổi hình thái: lá bị gấp nếp, hệ thống rễ ăn nghiêng, sinh trưởng cằn cỗi và khả năng sinh sản kém.

 Vector liên hợp

Ðây là vector trung gian được thiết kế cho phép thao tác ở E.coli và chứa vùng T-DNA của Ri-plasmid. Sự dẫn nhập vector vào A.rhizogenes mang một Ri-plasmid bình thường làm ổn định các trình tự của vector trung gian là kết quả của tái tổ hợp tương đồng nội phân tử trong Ri-plasmid (Jensen, 1986).

Vector nhị thể

Vector nhị thể đã loại bỏ hết khả năng gây hại có nguồn gốc từ A.tumefaciens  (Bevan, 1984; Van den Elzen, 1985) có thể đưa vào A.rhizogenes và sẽ tái bản ổn định miễn là sự chọn lọc được duy trì. Sau đó nhiễm A.rhizogenes mang vector nhị thể với thực vật sẽ làm chuyển T-DNA từ vector nhị thể cùng với T-DNA của A.rhizogenes vào genome thực vật (Shalin, 1986; Simpson, 1986). Các gen này khi chuyển vào genome thực vật được định vị ở giữa các trình tự biên của vector nhị thể. Các trình tự biên của vector nhị thể này có tác dụng sau khi sự cảm ứng của vùng vir của Ri-plasmid kiểu dại ở ngay tại chỗ (Simpson, 1986; Trulson, 1986). Ðiều này có thể xảy ra là do độ tương đồng lớn, ở mức DNA, giữa các vùng gây độc (virulence region) của A.tumefacien và A.rhizogenes (Huffman, 1984).

Gần đây lông tơ (hairy root) cà chua và dưa chuột đã được tạo ra bởi A.rizhogenes kiểu dại mang vector nhị thể với marker chọn lọc Kmr. Thể tái sinh từ môi trường nuôi cấy lông rễ kháng kanamicin này đã được sàng lọc đối với thực vật kiểu hình bình thường và một số đã được phục hồi mà thiếu T-DNA của A.rizhogenes nhưng có mặt T-DNA của vector nhị thể (Shalin, 1986; Trulson, 1986) là do sự chuyển độc lập của các T-DNA tách rời. Ðặc tính này của A.rhizogenes làm cho nó trở nên hấp dẫn như là một vector biến nạp nếu như quá trình này có thể được mở rộng đối với nhiều loại cây trồng khác.

Nguồn tham khảo: 

Trần Quốc Dung, VOER.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét