Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Uống vitamins bổ sung có lợi cho sức khỏe như bạn vẫn nghĩ không


Ta thường uống bổ sung các chất chống oxy hóa vì cho rằng chúng thiết yếu cho sự sống. Thế nhưng may mắn nhất là chúng có lẽ vô tác dụng. Còn tệ nhất là chúng đẩy bạn xuống mồ sớm.

Với Linus Pauling, mọi việc bắt đầu không ổn khi ông thay đổi thói quen ăn sáng. Năm 1964, ở tuổi 65, ông bắt đầu thêm vitamin C vào nước cam uống mỗi sáng. Giống như ta thêm đường vào Coca Cola, ông hết lòng, thậm chí đôi khi quá mức tin tưởng rằng làm vậy là tốt.

Trước đó, bữa sáng của ông không có gì đặc biệt. Chỉ là như mọi bữa sáng trước khi đi làm ở Học viện Công nghệ California, thậm chí cả vào cuối tuần. Nhưng ông làm việc không biết mệt, và công việc hiệu quả.

Ở tuổi 30, ông đề xuất một phương pháp căn bản thứ ba theo đó các nguyên tử được kết nối với nhau trong phân tử, phối hợp các ý tưởng từ hóa học và cơ lượng tử.

Hai mươi năm sau, công trình của ông về cách các protein (thành tố tạo nên mọi sự sống) cấu trúc ra sao đã giúp Francis Crick và James Watson giải mã thành công cấu trúc DNA (cấu trúc của các thành tố kể trên) vào năm 1953.

Năm sau đó, Pauling được trao giải Nobel Hóa học cho những kiến thức am tường của ông về cách các phân tử liên kết với nhau.

Nick Lane, nhà hóa sinh học từ Đại học College London, viết trong quyển sách Oxygen hồi năm 2001: "Pauling... là tượng đài của khoa học thế kỷ 20, người đặt nền móng cho hóa học hiện đại."

'Thần tượng hóa' vitamin C




Nhưng sau đó là những ngày uống vitamin C.

Trong quyển sách bán chạy của ông năm 1970 có tựa đề “Làm sao để sống lâu và sống khỏe hơn” (How To Live Longer and Feel Better), Pauling nói rằng loại chất bổ sung này có thể chữa cảm mạo thông thường.

Ông uống khoảng 18.000 miligrams (18gram) dưỡng chất bổ sung mỗi ngày, nhiều gấp 50 lần so với liều lượng được khuyên dùng.

Trong lần tái bản thứ hai của quyển sách, ông thêm bệnh cúm vào danh sách các bệnh dễ chữa. Khi HIV lan truyền ở Hoa Kỳ vào thập niên 1980, ông cũng cho rằng vitamin C có thể chữa luôn.

Linus Pauling là một trong các khoa học gia có ảnh hưởng lớn nhất, nhưng niềm tin của ông về tác dụng to lớn của chất chống oxy hóa đối với cơ thể. Nhưng niềm tin của ông ấy về tác dụng của chất chống oxi hóa có thể đẩy chúng ta vào tình trạng nguy hiểm.


Năm 1992, ý tưởng của ông được đăng tải trên bìa tạp chí Time Magazine với tựa đề: "Sức mạnh thật sự của các chất vitamin".

Chúng được công bố là phương thuốc chữa trị nhiều bệnh tim mạch, đục thủy tinh thể và thậm chí chữa cả ung thư. "Thậm chí có nhiều lời đùa giỡn thoáng qua rằng vitamin có thể chống lại sự tàn phá của tuổi tác," bài báo viết.

Doanh số bán các loại vitamin tổng hợp và các loại chất bổ sung dinh dưỡng khác tăng cao, tên tuổi của Pauling cũng vậy.

Nhưng danh tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của ông lại rẽ theo ngả khác.

Qua năm tháng, việc sử dụng vitamin C và nhiều loại chất bổ sung dinh dưỡng khác đã không nhận được mấy ủng hộ từ các nghiên cứu khoa học.

Tác dụng của việc tự bổ sung vitamin C


Trong thực tế, với mỗi thìa đầy chất bổ sung dinh dưỡng ông thêm vào ly nước cam, Pauling đang làm hại cơ thể mình nhiều hơn là bổ trợ sức khỏe.

Ý tưởng của ông chỉ là chưa bị chứng minh là sai, nhưng nó cực kỳ nguy hiểm.

Lý thuyết của Pauling dựa trên thực tế là vitamin C là một chất chống oxy hóa, giúp nuôi dưỡng các phân tử có chứa vitamin E, beta-carotene (tức tiền chất tạo nên vitamin A), và acid folic.

Việc bổ sung chất này được cho là sẽ có lợi cho sức khỏe, dựa trên lập luận là trên thực tế chúng có khả năng trung hòa các phân tử bất cân bằng và có khả năng dễ dàng tạo phản ứng với các phân tử khác; các phân tử bất cân bằng này được gọi là phân tử gốc tự do.

Năm 1954, Rebeca Gerschman tại Đại học Rochester, New York, lần đầu tiên xác định những phân tử gốc tự do có thể gây nguy hiểm. Ý tưởng này sau đó được Denham Harman từ Phòng thí nghiệm Vật lý Y khoa Donner thuộc Đại học UC Berkeley, phát triển hồi năm 1956.

Denham cho rằng các phân tử gốc tự do có thể dẫn đến tình trạng làm suy yếu tế bào, bệnh tật và rốt cuộc gây lão hóa.

Trong suốt thế kỷ 20, các nhà khoa học đã dần phát triển lý thuyết của ông và sau đó những ý tưởng này đã được chấp nhận rộng rãi.

"Nhà máy nước rò rỉ"



Phân tử gốc tự do hoạt động như sau: Đầu tiên là hoạt động của ty thể (mitochondria), những động cơ đốt trong siêu nhỏ tồn tại bên trong tế bào của chúng ta.

Bên trong lớp màng nội của ty thể, thực phẩm và oxy được chuyển hóa thành nước, CO2 và năng lượng. Đây là quá trình hô hấp, một cơ chế đem lại sự sống cho mọi sinh vật phức tạp.

Nhưng quá trình này không đơn giản như vậy. Ngoài thức ăn và oxy, còn cần đến dòng chảy liên tục của các hạt mang điện tích âm gọi là electron.

Dòng chảy này được duy trì hoạt động thông qua bốn loại protein, mỗi loại nhúng trong màng nội của các ty thể, vận hành quá trình sản xuất ra sản phẩm cuối cùng: năng lượng.

Phản ứng này cấp năng lượng cho mọi hoạt động của con người, nhưng nó là một quá trình không hoàn hảo.

Có một số electron bị rò rỉ từ ba 'nhà máy nước' tế bào đó. Mỗi electron bị rò rỉ lại phản ứng với các phân tử oxy gần đó, dẫn đến việc hình thành ra một phân tử gốc tự do, là phân tử đã phản ứng tới mức bão hòa với electron bị rò rỉ.

Để tái lập sự ổn định, phân tử gốc tự do 'cướp' lấy các electron từ các phân tử quan trọng như DNA và protein xung quanh chúng để tự cân bằng điện tích, dẫn đến việc tàn phá cấu trúc của các 'hàng xóm'.

Mặc dù có quy mô siêu nhỏ, nhưng việc tạo ra các phân tử gốc tự do, theo Harman và rất nhiều người khác, có thể dần gây ra tác hại cực kỳ nghiêm trọng cho cơ thể chúng ta, gây đột biến, dẫn đến hiện tượng lão hóa và các bệnh liên quan đến tuổi tác như ung thư.

Nói ngắn gọn, oxy là hơi thở đời sống, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến ta già đi, lão hóa và sau đó chết đi.
Các chất chống oxy hóa có tác dụng trì hoãn quá trình lão hóa, nhưng không có mấy bằng chứng cho thấy việc uống các dưỡng chất bổ sung đem lại tác dụng chống lão hoá



Từ lý thuyết tới kết quả thực tế


Ngay sau khi các phân tử gốc tự do được cho là có liên hệ đến tình trạng lão hóa và bệnh tật, chúng được coi như kẻ thù cần phải loại bỏ khỏi cơ thể.

Vào năm 1972, Harman viết, "việc làm giảm [các phân tử gốc tự do] trong một cơ thể có thể dẫn đến kết quả giảm tỷ lệ lão hóa sinh học và dẫn đến tăng thêm nhiều năm sống mạnh khỏe, hữu ích. Người ta hi vọng rằng [lý thuyết này] sẽ dẫn đến những thí nghiệm hiệu quả trực tiếp về việc tăng tuổi đời khoẻ mạnh ở con người."

Ông nói về chất chống oxy hóa, là các tế bào 'cướp' electron từ phân tử gốc tự do và từ đó giảm bớt nguy cơ mà phân tử gốc tự do có thể gây ra.

Các thí nghiệm ông kỳ vọng đã gieo mầm, được nuôi dưỡng và sau đó được thực hiện trong vài thập niên tiếp theo, nhưng chúng không thu được mấy kết quả.

Trong thời thập niên 1970-1980, nhiều con chuột - một loài động vật được sử dụng rộng rãi trong phòng thí nghiệm - được cho uống nhiều loại chất bổ sung dinh dưỡng chống oxy hóa trong bữa ăn hàng ngày hoặc qua một mũi tiêm thẳng vào máu.

Một số con thậm chí còn được điều chỉnh lại bộ gene để bộ gene tác động tích cực hơn với một số chất chống oxy hóa so với những con chuột thông thường khác.

Mặc dù khác trong phương pháp thực hiện, nhưng các kết quả hầu như giống nhau: lượng chất chống oxy hóa vượt trội không hề ngăn chặn được sự tàn phá của tuổi già, cũng không hề chặn được sự tấn công của bệnh tật.

"Chúng chưa bao giờ chứng tỏ được chúng kéo dài hay cải thiện tuổi đời," Antonio Enriquez từ Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Quốc gia Tây Ban Nha tại Madrid cho biết. "Chuột không bận tâm cho lắm [đến các chất bổ sung]."

Vậy còn con người thì sao? Không như các loài động vật hữu nhũ cỡ nhỏ, các nhà khoa học không thể đưa con người vào phòng thí nghiệm và theo dõi sức khỏe họ suốt cả đời, trong khi vẫn phải kiểm soát tất cả các yếu tố bên ngoài có khả năng làm sai lệch kết quả cuối cùng. Nhưng cách họ có thể làm là thiết lập một thử nghiệm y học lâm sàng dài hạn.

Lý thuyết này khá đơn giản. Trước hết, tìm ra một nhóm giống nhau về tuổi tác, địa điểm và lối sống. Tiếp theo, chia họ thành hai nhóm nhỏ. Một nhóm nhận các chất bổ sung mà các khoa học gia muốn thử nghiệm, trong khi đó nhóm còn lại chỉ nhận các viên đường rỗng, như một loại giả dược.

Tiếp theo, và cực kỳ quan trọng để tránh định kiến không lường được, không ai được biết người nào nhận được loại thuốc nào cho đến khi kết thúc quá trình thử nghiệm, kể cả những người quản lý quá trình điều trị.

Quá trình này được gọi là thử nghiệm "mù đôi" (double-blind), biện pháp được coi là chuẩn mực vàng trong nghiên cứu dược phẩm.

Từ thập niên 1970, đã có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng giống vậy để xác định xem các chất bổ sung chống oxy hóa có tác động ra sao tới sức khỏe và tuổi tác của con người.

Kết quả hoàn toàn chẳng có gì khả quan.

Chưa hết, một số nghiên cứu còn cho thấy việc uống bổ sung vitamin trong lúc cơ thể không thiếu hụt chất này có thể còn gây những tác hại chết người.


Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
http://www.bbc.com/future/story/20161208-why-vitamin-supplements-could-kill-you

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét