1. Tế bào gốc phôi:
Do có tính vạn năng và dễ tăng sinh khi nuôi cấy labo, tế bào gốc phôi có lẽ thuận lợi hơn cho liệu pháp điều trị bằng tế bào gốc. Tuy nhiên nếu chỉ đơn thuần tiêm tế bào gốc phôi vào vị trí tổn thương, rất có khả năng hình thành nên khối u teratoma tại vị trí tiêm. Do đó các tế bào gốc cần được định hướng biệt hóa thành các tế bào mong muốn trước khi được tiêm vào vị trí tổn thương. Hiện nay có một số kỹ thuật được dùng để kiểm soát sự biệt hóa tế bào gốc trên nuôi cấy thực nghiệm, ví dụ: thay đổi thành phần hóa học của môi trường nuôi cấy, tác động vào bề mặt của đĩa nuôi cấy (tạo các giá thể), hay gài các gen đặc hiệu vào những tế bào này.
Một trở ngại khác có thể có của việc sử dụng các dòng tế bào gốc phôi trong tế bào gốc trị liệu là khi truyền tế bào gốc từ một cơ thể này vào một cơ thể khác chúng có thể bị loại bỏ bởi cơ chế miễn dịch vì hệ miễn dịch của cơ thể nhận coi các protein có trên bề mặt tế bào gốc truyền vào như một kháng nguyên lạ.
2. Tế bào gốc trưởng thành:
Lợi ích của việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành lấy từ bệnh nhân là ở chỗ: đó là các tế bào của bản thân bệnh nhân có thể được nhân lên trong nuôi cấy, xử lý để biệt hóa thành các tế bào mong muốn, và rồi đưa trở lại vào bệnh nhân. Việc sử dụng tế bào của bản thân bệnh nhân có thể loại bỏ khả năng chúng bị thải loại bởi hệ thống miễn dịch. Các tế bào gốc trưởng thành về cơ bản là có tính đa năng, tuy nhiên cũng có thể có tính vạn năng (nhờ khả năng mềm dẻo) cho phép chúng biệt hóa thành các chủng loại tế bào khác nhau. Nhược điểm của việc sử dụng tế bào gốc trưởng thành là chúng có rất ít trong các tổ chức trưởng thành và khó nhân lên về số lượng trong nuôi cấy hơn so với các tế bào gốc phôi do chúng ở giai đoạn biệt hóa cao hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét